James Barron
28/2/2019


André Previn – 1965

André Previn, người đã làm nhòa ranh giới giữa nhạc jazz, nhạc pop và nhạc cổ điển – và giữa sáng tác, điều khiển dàn nhạc và biểu diễn – trong một sự nghiệp bao trùm nhiều lãnh vực âm nhạc, với rất nhiều giải thưởng, đã qua đời vào thứ năm (28.2.2019) tại nhà riêng ở Manhattan. Ông thọ 89 tuổi.

Cái chết của ông được xác nhận bởi người quản lý của ông, Linda Petrikova.

Previn đã viết nhạc hoặc hòa âm nhạc cho hàng tá phim và nhận bốn giải Oscar, và được đề cử ba giải Oscar chỉ trong một năm – 1961, cho nhạc của phim “El Elmer Gantry” và “Bells Are Ringing” và bài hát “Faraway Part of Town” trong phim hài hước “Pepe”.

Khán giả cũng biết đến ông là một tay dương cầm nhạc jazz, xuất hiện cùng Ella Fitzgerald và nhiều người khác, và là một nhà soạn nhạc đã viết rất nhiều nhạc kịch, nhạc hòa tấu, nhạc thính phòng, opera và nhạc giao hưởng, trong đó một số là viết cho nghệ sĩ vĩ cầm Anne-Sophie Mutter – người vợ thứ năm của ông. Ông cũng là giám đốc âm nhạc hoặc nhạc trưởng chính của cả một nửa tá dàn nhạc giao hưởng.

Các nhà phê bình mô tả Previn là một “thần đồng trong áo cao cổ” và là “nhạc trưởng Mickey Mouse” khi ông ở lứa tuổi 20 và 30. Ông thường được so sánh với Leonard Bernstein, một nhạc trưởng, nhà soạn nhạc và nghệ sĩ dương cầm đa tài tương tự. Khi Previn được bổ làm nhạc trưởng chính của dàn nhạc giao hưởng London Symphony năm 1968, tờ Time đăng tít lớn “Giống như là Bernstein”. Còn tờ Newsweek thì tóm tắt chuyện ông được bổ làm giám đốc âm nhạc của dàn nhạc giao hưởng Los Angeles Philharmonic năm 1985 là “Bernstein Phía Tây”.

Và giống như Bernstein, Previn không xa lạ gì với cuộc sống hào nhoáng và được truyền thông chú ý, đặc biệt là khi nữ diễn viên Mia Farrow bỏ chồng là Frank Sinatra và kết hôn với ông sau một cuộc ngoại tình gây nhiều sôi nổi trên những trang báo lá cải.


André Previn diều khiển London Symphony Orchestra ở London. Ông là giám đốc âm nhạc từ 1968 tới 1979.

“See you in the Morning beloved Friend,” cô Farrow, người đã ly dị với ông Previn năm 1979, đã tweet hôm thứ năm. “Mong bạn an nghỉ trong những bản giao hưởng huy hoàng rực rỡ”.

Bản thân Previn coi Bernstein như là một thần tượng. “Bern Bernstein đã bắt đầu chuyện một người không nhất thiết chỉ chuyên về một lĩnh vực âm nhạc,” ông nói. “Bạn không còn phải chỉ làm nhạc kịch ở Broadway, hay chỉ viết nhạc phim, hay chỉ điều khiển dàn nhạc giao hưởng – bạn có thể làm bất kỳ trong những việc này hay là hoặc là làm hết tất cả.”

Và Previn đã làm. Trong những năm 1960, ông xuất hiện trong các buổi hòa nhạc cổ điển và jazz cháy vé. Đôi khi ổng kết hợp nhiều thể loại khác nhau, như chơi một bản concerto ở phần đầu và jazz với một bộ tam tấu ở phần sau. Dizzy Gillespie rất nể phục các màn trình diễn của Previn. Ông nói, “Bạn biết đấy, ông ấy có khả năng ứng tấu lưu loát trôi chảy, điều mà rất nhiều người không có và sẽ không bao giờ có được.”


Previn cùng với Benny Carter và Mahalia Jackson đã thu một album gồm các bài hát jazz từ vỡ nhạc kịch “My Fair Lady” với tay trống Shelly Manne và tay bass Leroy Vinnegar. (Previn sau này là nhạc trưởng và là quản lý âm nhạc cho phim “My Fair Lady”.) Ông cũng đã thực hiện hai album với Dinah Shore và thu âm một bộ sưu tập các bài hát Giáng sinh với Julie Andrews và “Rhapsody in Blue” của George Gershwin với Andre Kostelanetz.

Nhưng giới âm nhạc cổ điển không bao giờ thấy thoải mái với những hoạt động của Previn trong nhạc jazz, và nhà sử học nhạc jazz Ted Gioia nói rằng “Previn là một người được yêu thích trong nhạc jazz chứ không phải là một tay chơi nhạc jazz thật sự.”


André Previn với Audrey Hepburn – 1963

Previn thì coi thường tất cả các nhãn hiệu. Năm 1986 ông nói, “tôi không bao giờ tự coi mình là một nhạc sĩ nhạc jazz, nhưng là một nhạc sĩ thỉnh thoảng chơi nhạc jazz.”

Bắt đầu từ nhạc phim

Ông sinh ngày 6 tháng 4 năm 1929 tại Berlin và được đặt tên là Andreas Ludwig Priwin. Sau khi cha mẹ ông nhận ra là ông có pitch hoàn hảo – cha ông là một nghệ sĩ piano tài tử ở Berlin – André được gởi vào học ở Nhạc viện Berlin khi 6 tuổi. Năm 1938, cha ông, Jacob, một luật sư người Do Thái gốc Ba Lan, đã đem gia đình qua Paris để tránh nạn Đức quốc xã.

André học với Marcel Dupré tại Nhạc viện Paris trong khoảng một năm trước khi gia đình dời qua Los Angeles. Ở đó, ông học với nhà soạn nhạc và nhạc trưởng Mario Castelnuovo-Tedesco, nghệ sĩ violin và nhà soạn nhạc Joseph Aync và nhà soạn nhạc Ernst Toch. Ông sớm thu âm tất cả các bản nhạc piano bốn tay của Mozart với nhà soạn nhạc Lukas Foss, người lớn hơn ông không tới bảy tuổi.

Previn vô quốc tịch Mỹ năm 1943, và năm 1950 ông đi quân dịch và phục vụ trong Ban Nhạc Quân Đội Thứ Sáu. Ông cũng học điều khiển dàn nhạc ở San Francisco với Pierre Monteux, người mà sau đó ông đã kế tiếp ở dàn nhạc giao hưởng London Symphony

Có một người bà con làm việc trong bộ phận âm nhạc tại Universal Studios, và Previn đã viết nhạc cho phim ngay cả trước khi ông đi lính. Là một học sinh lớp cuối ở trường trung học, ông được gọi đến để phụ việc cho “Holiday in Mexico”, một vở nhạc kịch MGM năm 1946 do Walter Pidgeon đóng vai chính. (Vai Fidel Castro lúc còn trẻ là một vai phụ cho có mặt.) Trong kịch bản, nghệ sĩ dương cầm Jose Iturbi phải chơi một ít nhạc jazz, nhưng ông thấy không thoải mái để chơi ngẫu hứng và muốn có một bài nhạc để đọc khi chơi. Previn bèn đến dự một buổi họp mặt ứng tấu (jam session), lắng nghe và viết ra phần piano cho ông Iturbi chơi khi quay phim.


André Previn với tài tử Mia Farrow, vợ của ông lúc đó , and hai đứa con trai song sinh, Matthew and Sascha, ở London năm 1971.

MGM để ý và mướn Previn sáng tác và thực hiện âm nhạc cho phim “The Sun Comes Up”, với sự tham gia của chú chó Lassie và nữ diễn viên lừng lẫy Jeanette MacDonald, người dị ứng với chó. Ông từng nói “thật không tin nổi với một cặp vai chính như vậy.”

Nhiều năm sau khi phim ra mắt vào năm 1949, Previn đã chê cuốn phim này. Ông nói “giống như tất cả các phim của Lassie, rất là ít đối thoại, nhưng rất nhiều tiếng sủa. Tôi nghĩ nhạc phim cũng dễ nghe, nhưng khi ép mình ngồi coi phim chiếu lại trên truyền hình, mới thấy thật là tệ chưa từng thấy.”

Nhưng các giám đốc hãng phim nhận ra rằng ông Previn có thể xử lý công việc trong phòng thu nhanh chóng và đúng thời hạn, và họ giao ông soạn nhạc cho – theo lời ông là – “vô số phim làm nhanh, rẻ tiền”.

Không phải tất cả các phim Previn tham gia đều giống như lời ông mô tả. Ông đã được giải Oscar về nhạc phim cho “Gigi” (1959), “Porgy và Bess” (1960), “Irma La Douce” (1964) và “My Fair Lady” (1965). Ông không sáng tác những bài hát kinh điển như “Summertime” hay “I Could Have Danced All Night”, thay vào đó, ông sắp xếp và phối khí, tạo ra các phiên bản cho nhạc phim.

Giống như Bernstein, Previn cũng đã thử qua Broadway. Với Alan Jay Lerner, ông viết “Coco”, một vở nhạc kịch về nhà thiết kế Coco Chanel với sự tham gia của Katharine Hepburn và trình diễn được 329 buổi vào năm 1969 và 1970. Ông cũng đã viết vở nhạc kịch “The Good Companions” với lời của Johnny Mercer và trình diễn được 252 buổi tại London vào năm 1974.


André Previn ở một bữa ký sách – London năm 1979

Trên bục điều khiển

Cũng giống như Bernstein, Previn là một nhạc trưởng làm người nghe hài lòng. Năm năm sau khi ông được bổ nhiệm một cách bất ngờ ở London, tạp chí New Statesman của Anh phàn nàn rằng ông làm cho dàn nhạc “có giọng rất Mỹ: âm thanh như xi-nê, phong phú, ồn ào và rực rỡ.” Nhưng bài báo cũng công nhận là “chương trình của ông trên đài BBC đã làm tăng thêm nhiều số người mua vé đi nghe concert”.

Trong khi Boulez trông có vẻ nhàm và Boult trông có vẻ chán, tạp chí này cho biết, khi đề cập đến các nhạc trưởng nổi tiếng Pierre Boulez và Adrian Boult, thì “Previn dường như luôn luôn rất thích thú với chính mình”.

Ông là nhạc trưởng chính của London Symphony cho đến năm 1979; ông cũng là nhạc trưởng chính của Royal Philharmonic Orchestra từ năm 1985 đến năm 1988. Ở Hoa Kỳ, ông là giám đốc âm nhạc của Pittsburgh Symphony Orchestra từ năm 1976 đến năm 1984 và sau đó là ở Los Angeles.


Previn đã từ chức giám đốc âm nhạc của Los Angeles Philharmonic vào năm 1989, ông phàn nàn rằng giám đốc điều hành dàn nhạc, Ernest Fleischmann, đã manh nha đưa Esa-Pekka Salonen vào thế chỗ ông. “Rõ ràng tôi thấy là không còn chỗ cho một giám đốc âm nhạc nữa”, ông Previn nói khi ông nghỉ việc. Salonen được bổ nhiệm làm giám đốc âm nhạc chỉ định một vài tháng sau đó.

Tới phiên opera

Khi gần 70, ông Previn chuyển sang opera, viết vở “A Streetcar Named Desire” lời do Philip Littell dựa trên một vở kịch của Tennessee Williams. Renée Fleming hát vai chính Blanche DuBois trong buổi ra mắt ở Nhà hát Opera San Francisco năm 1998, với Previn chỉ huy dàn nhạc. Bernard Holland, phê bình buổi biểu diễn cho tờ The New York Times, đã viết rằng, “vở hát rất hay”.

Ông nói thêm, nhạc của Prévin có những va chạm dữ dội giữa các hòa âm và cung giọng, phảng phất rất nhiều nét của Richard Strauss, có nhiều giai điệu đẹp và có các phần đan xen phức tạp giữa các nhạc cụ trong phần đàn dây rất tiêu biểu của Ligeti hay Penderecki.


André Previn điều khiển dàn nhạc Oslo Philharmonic Orchestra ở Carnegie Hall năm 2005

Một bản thu âm với dàn diễn viên San Francisco đã giành giải Grand Prix du Disque. Previn cũng giành được 10 giải Grammy từ năm 1958 đến 2004, chia đều giữa các hạng mục cổ điển và không cổ điển, và một giải Grammy trọn đời cống hiến vào năm 2010.

Vở opera thứ hai trong hai vở opera của ông là “Brief Encounter” (2007), lời của John Caird dựa trên kịch bản phim của Noël Coward viết cho phim cùng tên do David Lean làm năm 1945.

Đến cuối đời, Previn có vẻ ngạc nhiên trước sự thích thú dành cho các tác phẩm của mình. “Tôi đã viết một bản tứ tấu cho đàn dây và rất thiếu tự tin nhắc đến chuyện này với nhóm tứ tấu Emerson,” ông kể với nhà phê bình David Patrick Stearns vào năm 2017. “Và các ông ấy hỏi dồn liền, ‘đâu, bài đó ở đâu?’, tôi thườngkhông quen  như vậy.”

Năm 2017, cô Fleming nhiều lần trình diễn một chùm bài hát do ông phổ thơ của W. B. Yeats, “Lyrical Yeats.” Những bài hát ngắn này cho thấy Previn có lỗ tai tinh tường cho từng chi tiết, cho những nét nhạc tạo tâm trạng và khơi gợi những hình ảnh,” Corinna da Fonseca-Wollheim đã viết trên tờ The Times khi cô Fleming trình diễn trong buổi độc tấu tại Carnegie Hall.

Năm 2018, cô Mutter trình diễn tác phẩm “The Fifth Season”, viết cho violin và piano, tác phẩm do cô và Carnegie Hall đặt hàng. Cô cho rằng tác phẩm này là “hơi nhẹ nhàng”.

Năm nay, Tanglewood đã lên kế hoạch tổ chức một loạt các sự kiện kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90 của Previn, bao gồm buổi trình diễn bản violin concerto “Anne-Sophie” với cô Mutter, với cô Fleming và nhóm tứ tấu Emerson, buổi ra mắt vỡ “Penelope”, viết bởi Previn với lời do nhà viết kịch Tom Stoppard. Tanglewood cho biết các sự kiện này bây giờ sẽ được coi như là những sự kiện vinh danh cuộc đời sự nghiệp của ông, mặc dù không chắc là Previn đã hoàn thành vỡ “Penelope” chưa.

Previn có viết một số sách, trong đó có cuốn “Orchestra” (1979), mô tả cuộc đời của các nhạc sĩ trong dàn nhạc, và một cuốn hồi ký về những kinh nghiệm điện ảnh của ông, “No Minor Chords: My Days in Hollywood” (1991).

Người vợ đầu tiên của Previn là Betty Bennett, một ca sĩ mà ông từng xem biểu diễn trong các câu lạc bộ nhạc jazz ở San Francisco. Hai người có hai cô con gái, Claudia và Alicia, còn được gọi là Lovely (đã trở thành nghệ sĩ violin trong ban nhạc Ailen ở Tua Nua) và ly dị vào năm 1958.

Cuộc hôn nhân thứ hai của ông là với Dory Langan, một nhà đặt lời cho nhạc ở MGM. Cô này sau khi ly thân với ông đã thu âm một số album với tư cách là một ca sĩ-nhạc sĩ dưới tên Dory Previn, nhiều bài hát trong số này nói về cuộc chia tay của hai người và những hệ lụy. Dory Previn qua đời vào năm 2012.

Cuộc ly hôn của họ vào năm 1970 là do bởi mối quan hệ công khai giữa Previn và cô Farrow, người từng là bạn của vợ ông. Cô Farrow ly dị Sinatra năm 1968 và kết hôn với Previn năm 1970. Hai người có ba con, Matthew và Sascha, là cặp song sinh và Fletcher. Họ cũng nhận nuôi ba cô con gái: Summer Song, còn được gọi là Daisy; Soon-Yi, người sau này kết hôn với Woody Allen năm 1997; và Lark, qua đời năm 2008.

Người vợ thứ tư của Previn là Heather Haines Sneddon. Hai người có một con trai, Lukas, vào năm 1984, và ly dị vào năm 1999, là năm ông viết bản violon concerto cho cô Mutter. Ông và cô Mutter kết hôn năm 2002 và ly dị năm 2006 nhưng hai người vẫn tiếp tục biểu diễn cùng nhau.

“Bạn có biết là người ta thường nói rằng cuộc hôn nhân của họ đã đổ vỡ? Với chúng tôi, cuộc ly dị đã đổ vỡ thì đúng hơn. Chúng tôi gọi điện thoại cho nhau mỗi ngày bất kể đang ở đâu. Có thể cô ấy đang ở Trung Quốc và tôi thì ở Cincinnati, nhưng chúng tôi luôn tìm thấy nhau. Giống như hai người bạn thân thiết đã từng đi qua đời nhau vậy.” Previn nói như vậy hồi năm 2017.

Ông Previn có vẻ bối rối khi các nhà phê bình tiếp tục đề cập đến thời làm nhạc phim ở Hollywood của ông, rất lâu sau khi ông đã tập trung vào âm nhạc cổ điển. “Tôi đã không làm gì ngoài âm nhạc cổ điển kể từ những năm giữa 60”, ông đã với The Times vào năm 1991.

“Khi tôi đến Tanglewood dạy, những đứa học trò trẻ chỉ biết tôi qua nhạc cổ điển”, ông tiếp tục nói. “Đôi khi tụi nó xem một cuốn phim chiếu lại, trễ muộn và hỏi, ‘Ai vậy?’ Và sau đó tôi đã phải thú nhận rằng người viết những nốt vuốt trên đàn harp lúc Esther Williams nhảy đâm đầu xuống hồ thực sự là tôi”.

James Barron
28/2/2019

Nguyễn Sĩ Hạnh phỏng dịch

Nguyên tác: https://www.nytimes.com/2019/02/28/obituaries/andre-previn-dead.html
















Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất