Du Tử Lê
11 tháng 8, 2010

Nền tân nhạc Việt Nam xây dựng trên ca khúc, hiểu theo nghĩa ca từ là chính. Cho nên ảnh hưởng của thi ca vào âm nhạc là ảnh hưởng một mặc nhiên.

Sinh thời, cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương từng cho rằng, nếu loại bỏ phần tiếp thu to lớn, rất quan trọng của thi ca trong nền tân nhạc Việt Nam thì, ông không biết ca từ của nền tân nhạc đó sẽ nghèo nàn, đến mức nào!

Tôi không biết có phải vì sinh hoạt 20 năm văn học, nghệ thuật miền Nam đã diễn biến ở một tốc độ cao, do lượng khí tự do bung nở mạnh mẽ, cộng sinh với những vấn nạn của chiến tranh, làm cho khoảng cách giữa văn chương và nghệ thuật ngắn lại. Khiến nhiều người lầm tưởng hai lãnh vực này đã đồng bộ, song hành, cùng lăn mình, chảy tới?

Sự thực, ở quốc gia nào văn chương cũng luôn là mũi nhọn mở đường với những thử nghiệm mới mẻ. Một khi đã định hình, nó sẽ ảnh hưởng sang lãnh vực nghệ thuật. Dễ hiểu hơn, văn chương (nhất là thi ca), luôn mang tới cho đời sống tinh thần của thời đại, những cách nói mới.

Cách nói đó bắt nguồn hay thành hình từ những nỗ lực phản ảnh mặt chìm khuất của hiện trạng thời đại. Tôi muốn nói, phần đáy tầng, phần mạch ngầm của dòng sông đời thường. Nó đòi hỏi nơi những kẻ đào xới độ cảm nhận tinh tế, tính mẫn cảm sâu xa, vượt trên mức bình thường. Ghi nhận chung cho rằng, tính mẫn cảm đặc biệt này, có nhiều nơi các thi sĩ.

Chính những cảm nhận vi tế khai lộ kia, đã dẫn tới những hình thức diễn đạt (cách nói) nếu không mới mẻ thì chí ít, nó cũng khác với những hình thức diễn đạt (cách nói) đã có, trước đó. (Ðôi khi những phản ảnh và diễn đạt ấy, còn đi trước thời thế. Nó mang tính vị lai: Cách nói ở được phía trước mặt.)

Hiểu như thế, chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi nhận ra cách nói của nền tân nhạc miền Nam, 20 năm là cách nói khác với cách nói của dòng nhạc tiền chiến.

Từ điểm đứng này, sẽ không ai ngạc nhiên, khi nhận thấy cách nói (qua ca từ) của những tình khúc thời tiền chiến, chịu ảnh hưởng cách nói lãng mạn của dòng thơ tiền chiến.

Khi tình cờ đọc được phát biểu của nhạc sĩ Ngô Thụy Miên, do cố nhạc sĩ Trường Kỳ ghi lại:

"...Ngay cả như bên này như tôi viết 'Nắng Paris Nắng Sài Gòn' cũng mang âm hưởng của 'Áo Lụa Hà Ðông' hay 'Paris Có Gì Lạ Không Em,'" tôi cho, tự thân phát biểu ấy, đã nói lên tính lương thiện cần thiết của một nghệ sĩ, đối với một nghệ sĩ khác. Với tôi, kẻ nói được như thế, là người có một nhân cách đáng trân trọng.

Tính lương thiện cần thiết làm thành nhân cách lớn của một nghệ sĩ, trước Ngô Thụy Miên, tôi còn thấy (một cách công khai) nơi cố nhạc sĩ Phạm Ðình Chương. Khi sáng tác tình khúc 'Nửa Hồn Thương Ðau' theo yêu cầu của nhà báo Quốc Phong, chủ hãng phim Liên Ảnh Công Ty, năm 1970, để dùng cho phim 'Chân Trời Tím,' tiểu thuyết của nhà văn Văn Quang, tới phần Coda, họ Phạm dùng hai câu vốn là ý thơ Thanh Tâm Tuyền, để khép lại ca khúc."

Khi dùng 2 câu thơ đã biến cải (modify) đó, ông ghi chú rõ rằng: "Ðoạn cuối bài trích ở tác phẩm Lệ Ðá Xanh, thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc Cung Tiến."

Trên nguyên tắc, sau đấy, Phạm Ðình Chương không cần phải có thêm bất cứ một ghi chú nào khác. Vậy mà, khi ca khúc được phổ biến, nơi đầu bản nhạc, ông vẫn nghiêm chỉnh ghi "Ý thơ Thanh Tâm Tuyền." (1)

Trở lại với cách nói từ thi ca bước vào tân nhạc của tình ca miền Nam, mặc dù mãi tới cuối năm 1969, tác giả "Riêng Một Góc Trời" mới nhận được thi phẩm đầu tiên của thi sĩ Nguyên Sa, quà tặng từ một người bạn... Nhưng ngay từ tình khúc đầu tay của Ngô Thụy Miên, giới thưởng ngoạn đã ghi nhận được những ảnh hưởng đáng kể của cõi giới thơ Nguyên Sa, qua ca khúc "Chiều Nay Không Có Em" sáng tác năm 1965. Hai khổ nhạc mở đầu:

Chiều nay mình anh lang thang trên phố dài
Không có em ai chung bước dỗi nhau giận hờn
Không có em đường xưa giăng mắc mây trôi
Chiều nay hai đứa chung đôi
Lặng nhìn mùa thu lá rơi

Dù mai tình lên khơi như sóng gào
Không có em cho phố vắng dấu chân hẹn hò
Không có em mùa thu thôi lá vương bay
Mùa đông buốt giá qua đây
Vòng tay ấy ôi sao lẻ loi... (2)

Cụm từ "không có em " được họ Ngô khởi đi và, dẫn tới kết thúc suốt chiều dài ca từ, rất gần với cách nói của Nguyên Sa trong bài "Cần Thiết":

Không có anh lấy ai đưa em đi học về
Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học
Ai lau mắt cho em ngồi khóc
Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa
Những lúc em cười trong đêm khuya
Lấy ai nhìn những đường răng em trắng

Ðôi mắt sáng là hành tinh long lánh
Lúc sương mù ai thở để sương tan
Ai cầm tay cho đỏ má hồng em
Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc...
Không có anh nhỡ một mai em khóc
Ánh thu buồn trong mắt sẽ hao đi... (3)

Lại nữa, tôi nghĩ, nếu là cách nói cũ (thời tiền chiến thì), ngay câu mở đầu khổ thứ hai của tình khúc vừa kể (dù mai tình lên khơi như sóng gào), nhiều phần có thể sẽ là "dù mai tình lên khơi bao... thiết tha" hoặc, "dù mai tình lên khơi bao xót xa"... Nhưng Ngô Thụy Miên đã cho ca từ của mình một liên-ảnh khác. Ông dùng hai chữ "sóng gào" đi sau liên tự "như," "Sóng gào," mới mẻ. Mạnh mẽ. Cụ thể. Cực tả hơn.

Khi nói tới sự náo nức, mức gia tăng cường độ tình yêu (vốn là một trạng thái xung động tình cảm trừu tượng), mà dùng những tính từ trừu tượng như "thiết tha" hay "xót xa" để bổ trợ, nhấn mạnh, theo tôi, là dùng một hình ảnh trừu tượng, để giải thích, bổ nghĩa cho một hình ảnh trừu tượng khác. Nó không giúp gì cho mạch văn, về phương diện cấu trúc ngôn ngữ. Nhưng "sóng gào" thì ngược lại.

Vẫn nói về cách nói khác, hay cách nói mới trong ca từ của cõi giới âm nhạc Ngô Thụy Miên, tôi nghĩ, trước ông, dường như chưa có một nhạc sĩ tiền chiến nào, ví giọt lệ người tình của họ như / với "ngọc ngà," như trong tình khúc "Giọt Nước Mắt Ngà" của ông:

Trông áng mây u hoài
Giọt lệ nào thương bay, tình đành tràn mi cay
Ðau thương xé môi gầy mà lòng vẫn mê say
Ôi giọt nước mắt ngà cho cuộc tình đầu tiên (4)

Cũng trong khổ nhạc này, dòng thứ ba, họ Ngô dùng chữ "" ngay sau hai chữ "đau thương" (dùng như danh từ,) làm chủ từ cho động từ "":

"Ðau thương xé môi gầy..." Với nhân cách hóa này, trước và sau Ngô Thụy Miên, tôi e khó có một nhạc sĩ nào có khả năng gây "chấn thương" tâm hồn người nghe mạnh mẽ hơn. Do đấy, thích hay không, đó vẫn là những cách nói khác.

Cũng trong phần ca từ tình khúc "Giọt Nước Mắt Ngà" ảnh hưởng cách nói của thơ Nguyên Sa, lại được họ Ngô thể hiện bất ngờ qua câu "nụ cười đã đi xa" trong khổ nhạc:

Em đứng bên sông buồn
Nhìn cuộc tình trôi qua và lòng người phôi pha
Trên hai đóa môi hồng
Nụ cười đã đi xa
Ôi giọt nước mắt nào cho cuộc tình đầu... (5)

Tôi không biết mình có quá lời chăng, khi nói rằng câu nhạc "nụ cười đã đi xa" của Ngô Thụy Miên là một trong những đóng góp đẹp đẽ cho cách nói khác của dòng tân nhạc miền Nam, hai mươi năm. (6)

Tóm lại, tính gắn bó, cuộc hợp hôn giữa thơ Nguyên Sa và nhạc Ngô Thụy Miên đã đem lại cho dòng tân nhạc Việt Nam, không chỉ là những ca khúc rực rỡ mới, trực tiếp đi ra từ thơ Nguyên Sa. Như "Áo Lụa Hà Ðông," "Tình Khúc Tháng Sáu," "Tháng Sáu Trời Mưa," "Paris Có Gì Lạ Không Em," "Tuổi Mười Ba" hay "Tháng Giêng và Anh" v.v... Mà, hôn phối này còn có thể coi là tiêu biểu cho sự thuận hợp một dòng, của hai lãnh vực thi ca và âm nhạc miền Nam nữa.

Tính tiêu biểu tôi nói ở đây, không chỉ nằm nơi sự thăng hoa đồng bộ giữa thơ và nhạc. Nó còn thể hiện trong phạm trù ngôn ngữ, cách nói một thời của một giai đoạn lịch sử và, xã hội.

Trước khi kết thúc bài viết này, tôi cho là thiếu sót, nếu không nhắc tới tính cách trân trọng người nữ, tinh thần lạc quan tìm thấy trong ca từ nhạc Ngô Thụy Miên.

Tôi không quyết đoán, nhưng ngỡ rằng, tính chất vừa nhắc, tìm thấy trong ca từ nhạc Ngô Thụy Miên, có dễ phần nào, cũng đã đi ra từ cõi giới thơ Nguyên Sa.

Thí dụ:

Nắng úa dệt mi em và mây xanh thay tóc rối
Nhạt môi môi em thơm nồng
Tình yêu vương vương má hồng

Sẽ hát bài cho em và ru em yên giấc tối
Ngày mai khi mưa ngang lưng đồi
Chờ em anh nghe mùa thu tới...

(Mùa Thu Cho Em, Ngô Thụy Miên) (7)

Hoặc:

Giọt lệ nào thương vay, tình đành tràn mi cay
Ðau thương xé môi gầy mà lòng vẫn mơ say...

(Giọt Nước Mắt Ngà, Ngô Thụy Miên)

Tôi không nghĩ có người nữ nào không cảm động, không mãi nhớ, khi đã chia tay một cuộc tình mà, người nam vẫn một lòng "mơ say" mình. (Thay vì họ bị chàng lớn lối kết án, trút đổ lên người nữ, mọi nguyên nhân, tội lỗi...)

Từ đó, tôi tin, khó ai có thể "phản biện" khi biết rất nhiều người thuộc nữ giới, đắm đuối nhạc Ngô Thụy Miên.

Riêng tôi, trên tất cả, vẫn là nhân cách họ Ngô, qua phát biểu về thơ Nguyên Sa của ông.


Du Tử Lê

(11 tháng 8, 2010)


Chú thích:

(1) Tuyển tập nhạc "Mộng Dưới Hoa," 20 bài thơ phổ nhạc của Phạm Ðình Chương. Vincent and Company xuất bản, Calif., 1991.

(2) (4) (5) (7): Theo dactrung.com

(3) "Thơ Nguyên Sa Toàn Tập," trang 23. Ðời xuất bản. Calif., 2000.

(6) Cũng nên ghi nhận: Trong ca từ Trịnh Công Sơn có rất nhiều cách nói khác. Và, phải chăng vì thế, nhạc sĩ Văn Cao từng cho rằng "Trịnh Công sơn... hát thơ." (Xem Văn Cao, tựa tập nhạc "Em Ra Ði Nơi Này Vẫn Thế." Nhà xuất bản Hồng Lĩnh, Calif., 1991.)

Nguồn: DuTuLe.com