Phạm Phú Minh
2005



(Đã được phát biểu tại hai buổi ra mắt đĩa nhạc tại Quận Cam ngày 22 và 23 tháng Tư 2005)

Thưa quý vị,

Tôi đọc trên tờ flyer giới thiệu đĩa nhạc Symphony Việt Nam 1975 dòng chữ này: “Niềm hãnh diện của người Việt sau 30 năm ly hương: Symphony Vietnam 1975 đã thành tựu.”

Tôi nghĩ đó là một câu nói rất đúng để chỉ về một biến cố trong tháng Tư năm 2005 này. Biến cố này không phải là một cuộc xuống đường rầm rộ, một buổi meeting đông người, hay một hình thức nào như cộng đồng của chúng ta vẫn thường làm liên quan đến việc tưởng niệm ngày mất miền Nam vào tay cộng sản 30 tháng Tư 1975. Đã nhiều năm qua chúng ta tưởng niệm trong sự ân hận, đau buồn, nhưng năm nay, như câu của tờ flyer mà tôi vừa trích dẫn, chúng ta cảm thấy một sự hãnh diện. Một niềm hãnh diện rất chính đáng, cho tất cả mọi người, vì những nỗi niềm sâu kín của tập thể tị nạn chúng ta đã được một người nói hộ một cách trọn vẹn, bằng một phương tiện nghệ thuật rất cao, là nhạc cổ điển Tây phương. Đó là Giao hưởng khúc 1975 của nhạc sĩ Lê Văn Khoa.

Từ biến cố 1975 đến nay là 30 năm. Trước đó 30 năm là chiến tranh. Từ 1945 đến nay là 60 năm, trong đó Việt Nam trải qua 30 năm chiến tranh, 30 năm hòa bình. Chúng ta đang đứng trước những con số rất tròn trịa. Từ thời điểm này, chúng ta có thể đưa mắt nhìn về quá khứ để xem với những biến cố lớn lao như vậy, đất nước Việt Nam đã có sản sinh ra những tác phẩm nghệ thuật nào, về văn, về thơ, về nhạc, về họa tương xứng với tầm vóc của các biến chuyển lịch sử mà chúng ta đã sống hay không. Xứng đáng với tầm vóc của lịch sử, kiểu như cuốn trường thiên tiểu thuyết Chiến Tranh và Hòa Bình của Leon Tolstoi vẽ nên một bức bích họa vĩ đại của đất nước và dân tộc Nga thời kỳ đầu thế kỷ 19 trước sự xâm lăng của Napoleon, hay là bản Giao hưởng Ouverture 1812 của Tchaikowsky mô tả cụ thể về biến cố này, hoặc cuốn tiểu thuyết Cuốn Theo Chiều Gió của Margarete Mitchell nói về cuộc chiến tranh Nam Bắc của nước Mỹ vào giữa thế kỷ 19 cùng tác phẩm điện ảnh quay theo tiểu thuyết này. Hoặc xa hơn về quá khứ của nước Trung Hoa, thời Tam Quốc sở dĩ còn lưu lại trong trí nhớ của biết bao thế hệ chính là nhờ bộ tiểu thuyết lịch sử Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, hoặc chuyến du hành thỉnh kinh có một không hai sang Ấn Độ của nhà sư Trần Huyền Trang đời nhà Đường mãi mãi còn sống động đến bao đời sau chính là nhờ bộ trường thiên tiểu thuyết Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân.

Nhìn lại nước ta, những tác phẩm lớn nói về các giai đoạn lịch sử quan trọng rất thiếu vắng, trong quá khứ đã thế, mà trong hiện tại cũng thế. Cuộc chiến kinh thiên động địa xảy ra trên nước Việt Nam của chúng ta ròng rã 30 năm, dưới đủ mọi hình thái, chỉ được ghi lại trong những tác phẩm hạng nhỏ và trung về bề rộng lẫn bề sâu, cả bên này lẫn bên kia. Sau khi chiến tranh chấm dứt, trong 30 năm cai trị của đảng cộng sản đã xảy ra biến cố vĩ đại độc nhất vô nhị trong lịch sử nước Việt Nam từ thời lập quốc cho đến nay, là cuộc đào thoát quy mô toàn cầu của dân tộc Việt Nam trốn chạy chủ nghĩa này, cũng chưa có một tác phẩm nào nói lên cho xứng đáng cái đau khổ như biển, cùng cái ý chí bằng trời của khát vọng tự do nơi người dân đi tị nạn. Chúng ta đã có rất nhiều hình thức tưởng niệm, gợi nhớ các biến cố này, bằng tượng đài, bằng sách báo, bằng lễ lạc, nhưng cái chúng ta thiếu nhất vẫn là tiếng nói của nghệ thuật ở một tầm mức cao, vì chỉ loại này mới có thể trường tồn như một chứng tích trong nhiều thế hệ sắp tới.

Nhưng chính trong thời điểm 30 năm này chúng ta bỗng có tin vui! Khúc “Giao hưởng Việt Nam 1975” đã thành tựu! Khúc giao hưởng ấy đến với chúng ta kịp lúc vào thời điểm chúng ta đang bồi hồi tưởng nhớ đến bao biến cố nước mất nhà tan đã xảy ra từ cái tháng Tư oan nghiệt ấy, biết bao thảm cảnh tù tội đọa đày, biết bao sóng gió trùng khơi, trong vòng 30 năm qua! Chúng ta đã có một tác phẩm nghệ thuật chân chính, cao cấp, lớn lao nói hộ cho chúng ta hầu như tất cả những nỗi niềm mà mỗi người trong chúng ta vẫn hằng cưu mang ôm ấp mà không tự mình bộc bạch ra hết được. Hôm nay, chính nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã làm công việc ấy cho tất cả chúng ta, với “Khúc Giao Hưởng Việt Nam 1975” của ông.

Dùng phương tiện diễn đạt là nhạc giao hưởng Tây phương, một phương tiện phong phú nhất để diễn tả bằng âm thanh những trạng thái khác nhau của cuộc sống, nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã làm sống lại cả một giai đoạn lịch sử của Việt Nam. Dựa trên nhiều làn điệu dân ca dân nhạc, ông đã kể lại cho chúng ta nghe một thời thanh bình của đất nước chúng ta nó như thế nào, cuộc sống êm đềm của dân chúng với các rước xách hội hè, với tình yêu trai gái, và sức sống tươi vui của dân chúng bàng bạc khắp nơi. Nhưng rồi chiến tranh tới, chúng ta nghe những bước chân khẽ khàng của những kẻ gây chiến qua những dòng nhạc ngập ngừng bí mật, nhưng cuối cùng cũng biết đó là ai với tiếng vọng của bài Quốc tế ca từ xa xa, rồi Tiến quân ca, rồi bài Xì Lai quốc ca của Trung Cộng, rồi cuộc chiến bùng lên với sức kháng cự của quân dân miền Nam với những giai điệu thật là hùng tráng. Nhưng rồi cuộc chiến tàn với sự thất bại của miền Nam, tác giả đã diễn tả ngắn gọn nhưng với tất cả tâm tư của người trong cuộc, đến nỗi giáo sư sáng tác nhạc Gary Smart của đại học Wyoming đã phát biểu rằng: “Câu nhạc ngắn sau đoạn giao tranh trong hành âm Trong Đêm Thâu thật sự đánh động tâm tư con người.”

Nhưng cuộc bại trận chỉ mới là bắt đầu của bi kịch. Kể ra, nói về bi kịch thì cả một miền Nam sau 1975 là một bi kịch lớn lao, cả nước đang no đủ bỗng trở thành nghèo đói, đang có nhà cửa bỗng trở thành kẻ vô gia cư, đang có tài sản bỗng trở thành vô sản, đang tự do bỗng thành tù tội. Người ta đang bức tử một xã hội tự do thành một trại lính có tên gọi là xã hội chủ nghĩa. Người dân không chịu nổi, họ phải ra đi. Họ đi đâu? Phần lớn họ đi ra biển, tìm đường đến với thế giới bên ngoài. Và hàng triệu người đã ra đi, nhắm mắt gởi thân phận mình cho đại dương có thể rất hiền từ mà cũng có thể rất hung tợn. Cả một lớp người ra đi này đã tạo nên một khúc bi tráng ca độc nhất vô nhị trong lịch sử Việt Nam, nói cho loài người từ thiên cổ cho đến ngàn sau rằng con người chỉ có thể sống đầy đủ với tư cách một con người nếu họ được tự do. Trong cuộc đi tìm tự do vĩ đại này, dân tộc chúng ta đã trả một cái giá không phải là nhỏ: khoảng nửa triệu người đã chìm sâu dưới lòng đại dương trước khi họ thấy bến bờ tự do. Quý vị phải nghe hành âm số 6 “Trên Biển Cả” để sống với tất cả nỗi khủng khiếp này, để thấy thân phận nhỏ nhoi của con người trước sự gào thét của sóng gió biển khơi, nhưng đồng thời Lê Văn Khoa cũng cho chúng ta một cảm giác rất lạ lùng trong hành âm này, đó là sự vươn lên của ý chí, càng bị vùi dập thì con người càng mạnh mẽ, chúng ta sẽ rõ ràng nghe được sự hùng tráng vẫn tiềm ẩn trong tự thâm tâm chúng ta, và nó đã được khơi dậy, khiến chúng ta hào hứng, chúng ta đầy niềm tin vào mình, vào đồng bào của mình và vào nhân loại, và chúng ta sẽ chảy nước mắt trong nỗi hân hoan bí ẩn ấy, nó bỗng dưng xuất hiện giữa cảnh những chiếc thuyền bé nhỏ đang nghiêng ngả giữa sóng gió vô tình của biển cả. Lê Văn Khoa với dòng nhạc của ông trong hành âm 6 đã gợi được sự tự hào ấy nơi con người, con người đầy sức mạnh có thể làm chủ lấy mình giữa thiên nhiên và giữa xã hội, dù phải trải qua nghịch cảnh cho tới đâu.

Với tư cách là những con người tị nạn, chúng ta biết ơn nhạc sĩ Lê Văn Khoa đã hiến tặng cho chúng ta tác phẩm này, một tác phẩm ca ngợi đất nước và con người Việt Nam, và điều quan trọng nhất là làm bừng sống phẩm giá của con người.

Phạm Phú Minh

Nguồn: https://www.diendantheky.net/2022/04/pham-phu-minh-symphony-vietnam-1975-cua.html