Mai Xuân Vỹ
24.3.2013

Chiều mùa hè mát mẻ. Gió lao xao trên tán lá. Bên trên những tán lá ấy là những phiến trời nhỏ. Thật nhỏ. Xa và xanh cao. Trên ấy nữa là những gợn mây nhẹ như tơ. Và lòng tôi giờ cũng nhẹ cứ như mây cao kia. Vui vẻ. Nhẹ nhõm.

Tôi ngồi đọc một cuốn sách ở sau vườn, dưới tàn cây lá xanh. Đã uống xong ly cà phê. Và đang chờ một ly nữa.

Lòng tôi nhẹ nhõm trong cái bâng khuâng lả lả của trí nhớ. Và lơ đãng đến độ không cách gì cầm lòng cầm trí để tâm vào cuốn sách đang đọc. Trước mắt tôi là những ngày nghỉ Giáng Sinh, rồi tết tây, cộng cả lại cùng với những weekend cả thảy cũng hơn mười ngày. Tha hồ mà làm những gì mình thích. Dưng không thấy mình giầu có bất ngờ !

Lúc nãy tôi đã tần ngần mãi không biết lựa đĩa nhạc nào để nghe. Tôi đang muốn tìm một thứ nhạc nào đó đừng đắm đuối quá mà cũng đừng nặng nề bắt đầu óc suy nghĩ. Lòng tôi nhẹ nhõm. Và lười. Và tôi nghĩ đến Debussy. Chắc là được đấy. Nhưng mà tôi sẽ nghe cái gì của ông ấy bây giờ đây? Ừ thì nghe lại 24 Préludes xem sao vậy. Mà nghe ai chơi bây giờ đây nhỉ? Mệt quá. Lại phải suy nghĩ. Tôi rà rà trên kệ: Gieseking, Michelangeli, Zimerman, Freire? ...Và rồi tôi chọn cái đĩa của Michelangeli. Ông ta có tiếng đàn trong và lạnh, từng nốt từng chùm âm sạch như được tách ra từng nốt một, và pédalle thật dè xẻn. Có lẽ Debussy là người cuối cùng xử dụng nhiều pédalle đến thế trước khi những nhạc sĩ nổi loạn như Prokofiev hay Bartok hết kiên nhẫn với những giai điệu đẹp uyển chuyển. Và hà tiện pédalle đến độ tạo ra những âm thanh khô khốc cùng những giai điệu vuông vức chói tai.

Mà thực ra tôi chọn cho có chọn thế thôi. Tự nãy giờ tôi cứ lơ đãng nghe tai này qua tai kia. Và cả cuốn sách trên tay nữa, chẳng nhớ nãy giờ mình đọc gì.

Mà tôi nghe cái đĩa préludes ấy đến đâu rồi nhỉ ? Ừ thì đang bài Ce qu'a vu le vent d'ouest. Ngọn gió tây thấy những gì? Hay Debussy thấy gì trong ngững ngọn gió tây ấy vậy? Ông ấy thấy gì mà tiếng đàn nghe dữ dội thế. Nghe gió tây của Debussy mà tôi lại nhớ đến một ngọn gió tây khác. Ngọn gió tây của Nguyễn Du. Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp. Debussy thì thấy những tàn phá đổ vỡ từ ngọn gió tây. Nguyễn Du thì chỉ thấy một ngọn cỏ bồng bị gió tây cuốn đi. Nói nhẹ nhàng thế thôi mà hàm ẩn bao nhiêu là tang thương dâu bể.

Debussy được coi như là một nhạc sĩ ấn tượng. Tôi lại thích nghĩ về ông như một nhạc sĩ biểu tượng hơn, bởi ông hay tả những điều khó bắt nắm: một ngọn gió chiều, một mùi hương, một cơn mưa trong vườn khuya ... Và ông tả những thứ khó bắt nắm ấy với những nét phác tượng trưng. Thế mà ở đây, xem chừng ông lại tả ngọn gió tây ấy kỹ và chi tiết hơn Nguyễn Du nhiều.

Mà sao lại là gió tây chứ không là gió từ một phương nào khác thổi đến nhỉ? Một người ở phương tây và một người ở phương đông sao lại cùng hoài lòng về một ngọn gió tây?

Chừng như chẳng có gì chung giữa Nguyễn Du và Debussy ngoài ngọn gió tây ấy. Nguyễn Du sinh ra trong thời loạn lạc. Là thời Trịnh Nguyễn dằng co nhau ở hai bên bờ con sông Gianh. Còn Debussy suốt đời sống trong một xã hội thanh bình. Ông sinh ra giữa một Âu châu bình yên trù phú. Và khi những tiếng súng của đệ nhất thế chiến bắt đầu vang lên thì ông nhắm mắt lìa đời.

Debussy may mắn không biết gì về những lần chiến tranh loạn lạc trước khi ông sinh ra. Trận chiến do Napoléon khơi mào bùng lên toàn Âu châu đã cướp đi sinh mạng của một Haydn, người đã khai sinh ra thể loại giao hưởng và tứ tấu cho đàn dây. Ông cũng không biết đến trận chiến tranh đã khiến Chopin phải vĩnh viễn lìa bỏ quê nhà cho đến khi nhắm mắt ở kinh thành Paris.

Còn Nguyễn Du tuy là cậu ấm con quan, nhưng điều đó không giữ cho ông khỏi những truân chuyên như những thứ dân bình thường khác trong thời loạn lạc của đất nước. Những biến cố chính trị từ phủ chúa Trịnh đã khiến ông thành một thứ cỏ bồng nay đây mai đó. Nghĩ về cái thời của Nguyễn Du, tôi lại nhớ đến cậu học trò Đặng Trần Côn phải đào hầm sâu dưới đất đọc sách vì chúa Trịnh thiết quân luật, bắt các nhà thứ dân ở Thăng Long phải tắt hết đèn. Có phải vì luân lạc truân chuyên thế mà hầu như toàn bộ trước tác của Nguyễn Du đều mang một giọng buồn buồn? Hay là bản tính ông nó vốn thế? Và ông đặc biệt lân tuất với số phận của những những khách má hồng truân chuyên. Ông nhớ đến một ca nhân ở Long Thành hơn 20 năm gặp lại và cảm khái cả cơ nghiệp của Tây Sơn tan tành hết chỉ còn mỗi một nàng ca nương tiều tụy ấy thôi. Ông thương cảm vì một cô tiểu Thanh nào đó mất sớm ở tận đất nước Trung Hoa trước ông cả mấy trăm năm.

Ba tuần trước, tôi chở bạn tôi đến nhà một ông linh mục. Bạn tôi qua Úc chơi hai tuần và có chút chuyện gia đình. Bạn mượn mấy cuốn sách lễ và giờ đem trả.

Bạn tôi đã ở xa, tận Springvale, cách tôi non 40 cây số. Ông linh mục kia còn xa hơn nữa. Để đến đó, bọn tôi đi qua ba ngôi chùa. Một ngôi chùa Việt. Kế là một ngôi chùa Miên với rất nhiều mầu vàng và nhiều ngọn tháp nhỏ. Sau đó là một ngôi chùa Trung Hoa bề thế. Xen giữa ba ngôi chùa là những cánh đồng cỏ dại với những cây gum tree đặc trưng của Úc. Và rồi cuối cùng là một cánh đồng nở tràn hoa mùa hạ trước khi đến chỗ của ông linh mục kia.

Trên đường đi, bạn đã kể cho tôi về nơi sắp đến, về cái ông linh mục suốt 20 năm ở trong một cái nhà tiền chế trống trước trống sau quyên góp tích cóp để xây cho công đồng một trung tâm sinh hoạt. Cái tâm huyết ấy chỉ mới hoàn thành được non nửa khi một cơ sở tương đối khang trang được dựng lên cách đây một năm. Một ngôi thánh đường đang chuẩn bị khởi công thì ông được lệnh ra đi. Hỏi bạn ông ấy đi đâu thì bạn cũng không biết.

Gây ấn tượng và đập vào mắt tôi trước tiên là một bức tường bằng đá trắng mọc lên giữa khoảng sân rộng. Đó là một nghĩa trang thu nhỏ. Người ta hỏa táng thân nhân rồi đem tro tàn đến gửi ở bức tường đá trắng kia. Bức tường vàng thẫm dưới nắng chiều. Chút nắng quái chiều hôm với thứ ánh sáng mong manh, và cái nắng ấy cũng chợt trở nên trầm ngâm khi đậu lại trên bức tường bằng đá ấy. Chiều xuống chậm, lãnh đạm hắt nắng lên những ô vuông nhỏ ghi tên tuổi của những người còn chút tro than gửi lại.

Đó là một chiều đầu hạ với nắng reo vui trên suốt con đường. Nhưng ở đây, trước bức tường nầy, trời chợt im sững. Và nắng thôi nhảy múa. Tôi không khỏi chạnh lòng khi nhìn bức tường tro than kia, dưới ráng chiều mùa hạ. Thứ mầu chiều gợi nhớ. Và tôi nhớ những mùa Phục Sinh của những năm rất xưa, khi tôi và bạn là những cậu học trò đệ thất đệ lục, ngoan ngoãn xếp hàng chờ xức tro trong ngày thứ Tư tuần thánh. Rồi tôi chợt nhìn lại bạn. Khuôn mặt bạn thanh thản an nhiên. Tôi tưởng tượng ra những ngày thứ Tư lễ Tro, bạn tôi trong lễ phục tím của mùa chay, vẫn khuôn mặt bình thản an nhiên ấy, chấm tro lên trán của tín hữu và nhắc lại. Này là tro bụi, sẽ trở về bụi tro.

Và tôi lại nhìn ông linh mục kia. Ông đã lớn tuổi. Ở cái tuổi ấy, người ta thư thả sống những ngày còn lại với ngôi nhà đã ra sức tạo dựng trong những năm còn trẻ để chuẩn bị cho cái lúc nghỉ ngơi về chiều. Còn ông, ông dựng xong nhà cho người khác rồi ra đi. Ra đi ở cái tuổi nghỉ ngơi ấy.

Nhìn ông, tôi nghĩ đến những ẩn sĩ ở trong chốn thâm sơn cùng cốc, không có nhu cầu tiếp cận đồng loại, sống đơn độc mà hồn thanh thản chẳng hề cô độc. Đó là những người có công phu hàm dưỡng cao. An tịnh. Mưa nắng không hề ảnh hưởng đến lòng. Còn tôi ấy à? Tôi phải sống ở những nơi phố hội đông đúc. Mà hễ hơi có chút nắng hanh là lòng đã chùng xuống rồi.

Có tiếng chuông thong thả tan vào trong nắng, bạn tôi cáo từ ra về để ông kịp giờ dâng thánh lễ. Chạy xe ra khỏi con đường trải sỏi tôi vẫn ngoái lại nhìn cái bóng đổ dài của ông lên bờ lá thẫm của những khóm oải hương trồng trên lối đi dẫn về phía nhà nguyện. Ở đấy, những tín hữu đang chờ ông dâng thánh lễ buổi chiều.

. . .

Tôi vốn lơ đãng và hay chia trí. Và cái nắng đẹp của buổi chiều đầu hè cộng với những ngày nghỉ trước mặt dường như càng đẩy cái lơ đãng ấy đi xa hơn. Tôi vẫn cứ lơ mơ với trang sách để mở. Nghe le vent d'ouest của Debussy lại nghĩ đến ngọn cỏ bồng của Nguyễn Du. Rồi lại lan man nhớ đến người bạn phương xa và một chiều hè ở Springvale với ông linh mục. Và một bức tường tro than.

Nguyễn Du có hơn 10 năm luân lạc, tự ví mình như ngọn cỏ bồng bật gốc vì chiến tranh và thời thế. Mà thực, cả gia đình ông chia năm xẻ bảy vì chiến tranh. Năm 18 tuổi, đang ở với người anh lớn Nguyễn Khản ở kinh thành Thăng Long thì loạn kiêu binh khiến dinh Kim Âu bị đốt, ông xiêu dạt về quê vợ bốc thuốc sống qua ngày. Những ngày điêu linh mà ông than thở là đông lạnh áo không đủ ấm. Rồi anh em ông kẻ thì làm quan dưới triều Tây Sơn như Nguyễn Nễ, người thì hoài Lê chống Tây Sơn như Nguyễn Quýnh bị bắt giết. Cái chết của người anh còn khiến cơ ngơi giòng họ ở Tiên Điền bị phá nát, và chính ông cũng bị Tây Sơn bắt ở Nghệ An. Một gia đình lớn có cha anh đều là tể tướng của vua Lê chúa Trịnh. Anh thì làm quan nhà Tây Sơn. Còn ông thì lại làm quan dưới triều Gia Long. Đó mới là thân phận của những ngọn cỏ bồng chứ. Còn như bạn tôi hay ông linh mục kia, họ tự chọn lấy cuộc sống và lý tưởng kia mà. Có liên quan gì đến ngọn cỏ bồng của Nguyễn Du đâu?

Thế mà buổi chiều hôm ấy, tôi đã thấy trước mặt tôi là một ngọn cỏ bồng. Hai ngọn cỏ bồng. Tôi nghĩ bạn tôi, cũng như ông linh mục kia, khi đã chọn lấy cái đời tu trì nhiệm nhặt là đã tự chọn lấy cho mình cái kiếp của một ngọn cỏ bồng. Bạn tôi ở đâu cũng thế, chỉ đơn giản là một chốn nương thân tạm, chẳng mọc rễ bén sâu ở một nơi nào.

Tôi nhớ gần 10 năm trước, tôi gặp lại bạn ở Đà Nẵng, là nơi tôi và bạn đã sống suốt thời tuổi thơ. Bạn lúc ấy trông coi một xứ đạo ở bên kia thành phố nơi con sông Hàn trôi ngang. Bạn tôi ở đấy lo chăn dắt linh hồn cho mấy ngàn con chiên trong họ như cái chức linh mục người ta gọi bạn. Thấy bạn bận bịu, lo toan cho giáo dân, tôi nghĩ bạn sẽ ở đấy lâu. Nào ngờ, sau đó ít năm, thình lình bạn sang gõ cửa nhà tôi tận Úc châu. Hỏi. Bạn cười. Đức giám mục gửi mình sang đây học lấy ít chuyên môn xã hội để về giúp giáo phận. Bao lâu?

Và rồi bạn tôi học ở Melbourne Uni ba năm. Suốt thời gian ấy tôi gặp bạn khá thường. Bạn ở nhà người chị ruột. Tôi đến ăn cơm trưa cơm tối như người trong nhà. Bọn tôi ôn chuyện cũ hay nói những chuyện vơ vẩn không đâu mà nhiều khi tới tận khuya lơ khuya lắc vào những tối cuối tuần.

Tôi gặp bạn khi tình cờ khi hữu ý. Có những lúc tiện đường tôi ghé qua. Có những khi bạn hẹn tôi đến ăn cơm tối cùng gia đình. Tôi đến đó đủ bốn mùa. Tôi nhớ những tối mùa đông tôi ra về trong cái giá buốt với những cơn gió quái ác tiễn chân. Và tôi cũng nhớ những đêm mùa hè yên ắng với sao trời vằng vặc lúc bạn còn chưa hết chuyện và lúc tôi ra xe về nhà.

Bạn ở đó, tôi lúc rảnh ghé qua ăn cơm trò chuyện, thường đến độ tôi đã nghĩ bạn sẽ cứ ở mãi ở đó để những khi tôi tiện đường ghé qua. Thế mà rồi chớp mắt một cái hết ba năm, học xong bạn lại quay về nước, "về giúp giáo phận" như lời bạn nói. Thế là xong. Cỏ bồng lại bay. Nhiều lúc trên đường đi ngang tôi nghĩ đến bạn. Nghĩ và thầm cảm ơn bạn về những buổi tối bình yên. Và cũng tiêng tiếc giá có bạn để tôi ngồi tìm lại chút thanh thản như những ngày cả hai chúng tôi còn thơ dại.

. . .

Chiều vẫn cứ đẹp. Và tôi vẫn cứ lơ đãng với những phiến trời nhỏ thật xa ở sau vòm lá xanh trên cao kia. Tôi vẫn tiếp tục tự cho mình cái quyền lười biếng vung phí thời gian không chút áy náy. Tôi đang giầu có đủ để tạm quên đi thời gian vẫn đang trôi. Ít ra là trong buổi chiều mùa hè thật đẹp này.

Nắng vẫn cứ xanh và lao xao như những âm giai toàn cung của Debussy. Thật vậy, cái nắng chiều nay cứ như lơ lửng ở lưng chừng trời, nó không thoắt lên cao mà cũng chẳng chạm tới đất, bất định như cái mơ hồ của chủ âm trong hầu hết các préludes của Debussy tôi đang nghe.



Và đây này. Những quãng 5 song hành bắt đầu của La cathédrale engloutie nghe như tiếng chuông vọng lên từ một đại dương xa xôi. Suốt mười mấy ô nhịp đầu vẫn không xác định được giọng chủ. Debussy đang tả một ngôi thánh đường trồi lên từ đáy biển trong những ngày trời trong với tiếng chuông reo vui hoà với tiếng sóng biển. Ngôi thánh đường chỉ trồi lên một thoáng rồi lại chìm mất dưới đáy nước. Tôi lại nghĩ đến ngôi thánh đường chưa kịp xây của ông linh mục kia. Ngôi thánh đường ấy giờ cũng giống như ngôi thánh đường trong huyền thoại mà Debussy đã tả. Ít ra là trong thời điểm này. Nhưng biết đâu ít năm nữa tôi lại có dịp ghé lại cái nơi của ông linh mục kia, ở đó lúc ấy chắc sẽ có một ngôi thánh đường. Và nó khác sẽ với la cathédral engloutie của Debussy vì nó sẽ ở mãi trên một nền đất vĩnh viễn chứ không mọc lên từ đáy nước.

Hầu chắc là sẽ không gặp lại ông linh mục kia nữa nếu như tôi quay lại đó. Nhưng tôi chắc bức tường tro than kia sẽ vẫn còn. Và sẽ còn có thêm những tro than mới mà người ta sẽ tiếp tục đem đến ký gửi.


Mai Xuân Vỹ
 

Bình luận

Đăng Nhập/Xuất