Ngành Mai
31/5/2014

 
Nghệ sĩ Thành Được và nghệ sĩ Út Bạch Lan, ảnh chụp năm 1960. Ảnh tư liệu của NSND Viễn Châu

Toàn diễn viên gạo cội

Khi vở tuồng được thu thanh dĩa hát phát hành cùng khắp, thì tuồng lại càng nổi tiếng nhiều hơn, thiên hạ nghe riết rồi thuộc cả lớp lang, lời ca, đối thoại. Nghe dĩa hát Thuyền Ra Cửa Biển, thì những người từng đi coi cải lương đã thấy rõ hãng dĩa đã mời toàn diễn viên gạo cội thay thế cho một số diễn viên lúc tuồng trình diễn trên sân khấu với thành phần như sau: Đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn lừng danh tên tuổi, ai ai cũng nghe tên.


Kế đến là Thành Được và Út Bạch Lan là đôi nghệ sĩ ăn khách ở đoàn Kim Chưởng; kép độc Hoàng Giang coi như số 1 với vai trò phản diện thời bấy giờ, tiếng nói rang rảng của ông làm ồn cả rạp hát, bay về tận nông thôn, do tuồng được trực tiếp truyền thanh trên làn sóng của đài phát thanh Sài Gòn. Đào Thanh Hương nổi tiếng từ thời đài phát thanh Pháp Á cho tới dĩa hát Cô Bán Đèn Hoa Giấy. Còn danh ca Minh Chí thì giới mộ điệu dĩa hát vọng cổ hoặc tuồng cải lương thu thanh đâu có lạ gì tên tuổi ông trong nhãn hiệu dĩa hát Việt Nam phát hành thập niên 1950. Minh Chí ca chung với cô Năm Cần Thơ trong các bộ dĩa Anh Hùng Liệt Nữ – Phất Cờ Độc Lập, hoặc ca chung với Kim Chưởng trong bộ dĩa Máu Thấm Tần Hoàng Đảo, và dĩa Nguyễn Thái Học ca chung với Thanh Hương (vai Cô Giang).

Dĩa tuồng Nguyệt Thu Nga trong vai Nguyên Soái Tô Điền. Và Hề Minh là hề ca chiếm ngôi vương, vượt trên tất cả hề nhờ lối ca hài hước trong bài vọng cổ “Chồng Già Vợ Trẻ” nổi tiếng khắp nước. Lúc ấy hề Văn Hường chưa xuất hiện. Tóm lại hầu hết tiếng ca thu thanh trong bộ dĩa Thuyền Ra Cửa Biển là nghệ sĩ đương thời ăn khách lúc bấy giờ, đang được khan thính giả khắp nơi ái mộ. Lời ca tiếng hát của họ hái ra bạc, đem lại nguồn lợi quá lớn cho hãng dĩa là điều có lẽ ai cũng biết, kể cả nghệ sĩ được mời thu thanh cũng biết rõ.

Vở tuồng hay nhất

 
Bìa đĩa hát Thuyền Ra Cửa Biển nổi tiếng một thời. File photo.

Hiện nay những danh ca thu thanh bộ dĩa Thuyền Ra Cửa Biển một sô lớn đã qua đời: Thanh Hương mất năm 1974 tại Sa Đéc, cô mất rồi thì gánh Thanh Hương - Hùng Minh cũng rã luôn, Hùng Minh gà trống nuôi con, anh về hát chầu cho đoàn Dạ Lý Hương. Và cách đây khoảng 10 năm Út Trà Ôn và Hoàng Giang cũng ra đi, hai ông cùng nằm trong nghĩa trang nghệ sĩ ở Gò Vấp. Danh ca Minh Chí thì sau 1975 đi hát thêm vài năm thì về phụ giúp bà vợ là đào Ánh Hoa, bán cơm tấm ở dưới dạ cầu chữ Y. Cái may mắn cuối cùng của cặp đào kép Minh Chí – Ánh Hoa là đào Ánh Hoa được đạo diễn Trần Anh Hùng tuyển chọn làm tài tử đóng phim, được đi Pháp đóng vai Bà Ti trong phim Mùi Đu Đủ Xanh. Cuộc sống đỡ khổ khoảng 2 năm thì Minh Chí về với Tổ nghiệp cải lương.

Hề Minh thì anh này lãnh tiền lương đêm hát và hợp đồng không thua kép chánh, vậy mà sau năm Mậu Thân gánh hát rã gần hết, anh phải chạy xe ôm ở Thị Nghè. Nghe nói mấy bà khách đi chợ mến tài, nên đi xe không trả giá mà mỗi cuốc xe còn được cho thêm tiền. Từ sau 1975 chẳng nghe Hề Minh làm gì, ở đâu nên không biết hiện tại ra sao. Riêng cặp Út Bạch Lan, Thành Được thì còn mạnh giỏi, nhưng người nào cũng ở tuổi 80 ngoài. Thành Được định cư ở Mỹ nhiều năm nay chẳng thấy hát xướng gì, anh có nhà hàng mang bảng hiệu Thành Được ở San Jose miền Bắc California. Năm 2000 tôi lãnh nhiệm vụ điều hợp cuộc thi cổ nhạc Gò Công, tôi có mời Thành Được về miền Nam California tham gia Ban Giám Khảo.

Còn đào thương Út Bạch Lan thì ở Việt Nam, lúc có phong trào nghệ sĩ ra hải ngoại, Út Bạch Lan cũng xuất hiện trong nhiều sô hát ở hai miền Nam Bắc California. Báo chí phỏng vấn Nàng Út rằng cô có gặp Thành Được không? Ut Bạch Lan trả lời không, vì chàng đã có vợ khác, sợ bị hiểu lầm. Có lẽ Nàng Út sợ miệng đời câu nói nhân gian “vợ chồng củ không rũ cũng tới”. Nghe nói hiện giờ Út Bạch Lan chỉ đi hát chùa (chùa thật chớ không phải nghĩa bóng đâu).

Khoảng vài tháng sau ngày vở hát Thuyền Ra Cửa Biển ra mắt khán giả, thì tờ báo Tiếng Dội Miền Nam của ông Trần Tấn Quốc mở cuộc trưng cầu ý kiến độc giả về vở tuồng hay nhứt (không nói rõ hay nhứt năm nào). Do đó mà tất cả tuồng cải lương từng trình diễn trên sân khấu trước đó cũng đều được cho ý kiến.

Như dự đoán của nhiều người, sau khi kiểm phiếu thì tuồng hay nhứt là “Thuyền Ra Cửa Biển”. Đứng thứ nhì là Nửa Bản Tình Ca, thứ ba là Tiếng Trống Sang Canh, và thứ tư là Con Gái Chị Hằng. Chỉ trưng cầu ý kiến thôi, chớ không có phát giải gì hết, mà nếu có phát giải thì soạn giả Phong Anh cũng không có mặt để mà lãnh giải. Báo chí đề cập rần rần mà soạn giả Phong Anh lại không lên tiếng gì hết, mà cũng chẳng thấy ông xuất hiện ở đâu cả. Phong Anh vắng mặt lý do gì, có giống như trường hợp của đào Thanh Loan không? Kỳ tới tôi sẽ nói tiếp. Và bây giờ mời quí vị thưởng thức tiếp tuồng Thuyền Ra Cửa Biển thu thanh dĩa hát đầu thập niên 1960.

Ngành Mai


Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/TraditionalMusic/traditional-music-053114-nm-05312014091444.html
Bình luận

Lời Bàn Mới

  • CÒN THOÁNG CHIÊM BAO
    Lâm Nguyễn 24.02.2024 17:12
    Cảm ơn admin đã tải lên album này, chiếc cầu nối đưa tôi biết đến ngôn từ và giai điệu tuyệt đẹp của ...
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    Thông-Tin 08.09.2023 11:49
    Đã sửa, giờ nghe được rồi.
     
  • LỜI RU TRONG MƯA
    2gether 06.09.2023 22:30
    Hi Admin Album này không nghe được.... Plz......
     
  • TÌNH KHÚC NGÔ THỤY MIÊN
    Thông-Tin 25.08.2023 18:23
    Cám ơn bạn. Lỗi đã sửa, album giờ nghe được hết .
     
  • PHẠM MẠNH CƯƠNG 18
    Thông-Tin 25.08.2023 18:21
    Cám ơn bạn đã cho hay . Bài này không có mp3 .

Đăng Nhập/Xuất